Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật (Điều 14, Luật An Toàn Vệ Sinh Lao Động). Bạn sẽ được giải đáp những thắc mắc về nội dung đào tạo cho từng nhóm khác nhau trong tất cả 6 nhóm cần được đào tạo căn cứ vào Nghị định số 44/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, và Nghị định số 04/2023/NĐ-CP). Sau đây, chúng ta cùng khám phá những kiến thức hữu ích để áp dụng vào công việc của bạn!
1. Tổng quan về chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
1.1 Khái quát
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng và nhận thức về an toàn và vệ sinh lao động cho người lao động trong môi trường làm việc. Mục đích của huấn luyện này là đảm bảo rằng người lao động có đầy đủ thông tin và hiểu biết về các yếu tố nguy hiểm, các biện pháp an toàn và vệ sinh, và quy định liên quan để làm việc một cách an toàn và giảm thiểu nguy cơ bị thương tích, bệnh tật hoặc tai nạn lao động.
1.2 Các mục tiêu chính của huấn luyện an toàn vệ sinh lao động bao gồm
-
Nâng cao nhận thức: Huấn luyện giúp người lao động nhận thức rõ về các yếu tố nguy hiểm có thể gặp phải trong quá trình làm việc, nhận biết được sự nguy hiểm của chúng đến sức khỏe và an toàn cá nhân.
-
Cung cấp kiến thức và kỹ năng: Huấn luyện cung cấp kiến thức về an toàn và vệ sinh lao động, bao gồm quy định pháp luật, quy trình làm việc an toàn, sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân và kỹ năng thực hiện công việc một cách an toàn.
-
Giảm thiểu tai nạn lao động: Huấn luyện nhằm giúp người lao động hiểu rõ các biện pháp phòng ngừa, quy trình an toàn và vệ sinh, từ đó giảm thiểu nguy cơ gặp tai nạn, thương tật và bệnh tật liên quan đến công việc.
-
Tạo môi trường làm việc an toàn: Huấn luyện góp phần tạo ra một môi trường làm việc an toàn, nâng cao ý thức và thái độ của người lao động về an toàn lao động, đồng thời tăng cường tinh thần làm việc đội nhóm và trách nhiệm cá nhân với an toàn. Đây là nền tảng để xây dựng văn hóa an toàn cho doanh nghiệp.
-
Tuân thủ pháp luật: Huấn luyện giúp người lao động hiểu và tuân thủ các quy định và quy tắc an toàn lao động, đảm bảo rằng công việc được thực hiện theo quy chuẩn và đúng qu
-
Nâng cao hiệu suất làm việc: Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động giúp nâng cao hiệu suất làm việc của người lao động. Khi họ biết cách làm việc một cách an toàn và hiệu quả, nguy cơ tai nạn và thương tật sẽ giảm, từ đó tăng tính hiệu quả và năng suất trong công việc.
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động không chỉ mang tính cá nhân mà còn có lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp. Nó giúp cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp, tăng sự tin tưởng và sự hài lòng của nhân viên, giảm chi phí bồi thường tai nạn lao động và bệnh tật, đồng thời đáp ứng yêu cầu pháp luật và quy định liên quan đến an toàn và vệ sinh lao động.
Qua việc đào tạo và nâng cao nhận thức của người lao động về an toàn và vệ sinh lao động, huấn luyện góp phần xây dựng một môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu nguy cơ và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
2. Căn cứ pháp luật về chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Qua nội dung ở phần 1, có thể thấy việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động bài bản và đầy đủ sẽ mang đến nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân người lao động mà quan trọng nhất là cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh nhu cầu tổ chức các lớp nâng cao nhận thức về công tác an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp, thì pháp luật cũng có những quy định cụ thể và được sửa đổi, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội. Cụ thể, liên quan đến công tác đào tạo huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, hiện có những văn bản quy phạm pháp luật như dưới đây:
-
Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015
-
Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ
-
Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ
-
Nghị định số 04/2023/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ
3. Các nhóm cần được đào tạo
Căn cứ luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP thì có 6 nhóm đối tượng cần được đào tạo về an toàn vệ sinh lao động như sau:
-
Nhóm 1: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
-
Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
-
Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
-
Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
-
Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
-
Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
4. Nội dung đào tạo cho từng nhóm
Ít nhất 02 năm một lần, kể từ ngày Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn có hiệu lực, người được huấn luyện phải tham dự khóa huấn luyện để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện ít nhất bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu. Người làm công tác y tế thực hiện việc cập nhật kiến thức theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 73 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Nhóm 1: Người giữ vai trò lãnh đạo
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra. Nội dung huấn luyện gồm:
-
a) Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
-
b) Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh.
Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra. Nội dung huấn luyện gồm:
-
a) Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
-
b) Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động: Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm; phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; nghiệp vụ công tác tự kiểm tra; công tác Điều tra tai nạn lao động; những yêu cầu của công tác kiểm định, huấn luyện và quan trắc môi trường lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, thống kê, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động;
-
c) Nội dung huấn luyện chuyên ngành: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư, chất phát sinh yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra. Nội dung huấn luyện gồm:
-
a) Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
-
b) Kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động: Chính sách, chế độ về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động; chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; nội quy an toàn, vệ sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử dụng thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nghiệp vụ, kỹ năng sơ cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp;
-
c) Nội dung huấn luyện chuyên ngành: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư, chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại và phương pháp phân tích, đánh giá, quản lý rủi ro liên quan đến công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mà người được huấn luyện đang làm; quy trình làm việc an toàn, vệ sinh lao động; kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến công việc của người lao động.
Xem thêm: Danh sách công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra. Người lao động thuộc nhóm 4 được huấn luyện định kỳ ít nhất mỗi năm 01 lần để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện định kỳ bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu. Nội dung huấn luyện gồm:
-
a) Kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động; chính sách, chế độ về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động; chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; nội quy an toàn, vệ sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử dụng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân, nghiệp vụ, kỹ năng sơ cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
-
b) Huấn luyện trực tiếp tại nơi làm việc: Quy trình làm việc và yêu cầu cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Nhóm 5: Người làm công tác y tế
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra. Nội dung huấn luyện gồm:
-
a) Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
-
b) Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh;
Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Nội dung huấn luyện gồm:
-
Người lao động tham gia mạng lưới an toàn, vệ sinh viên ngoài nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định còn được huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên.
5. Giấy chứng nhận, thẻ an toàn và hồ sơ sau khi huấn luyện
Chương trình đào tạo, huấn luyện cần được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi tham gia đầy đủ chương trình, các học viên sẽ được cấp Chứng chỉ, Chứng nhận, thẻ an toàn hoàn thành khóa học tùy theo nhóm đối tượng, cụ thể:
5.1 Giấy chứng nhận huấn luyện
Được cấp cho người được huấn luyện thuộc các nhóm 1, 2, 5 và 6 sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu bởi tổ chức huấn luyện, hoặc doanh nghiệp đủ điều kiện tự huấn luyện theo Mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
Giấy chứng nhận huấn luyện sau khi được cấp có giá trị 2 năm.
5.2 Sổ theo dõi cấp giấy chứng nhận huấn luyện
Được lập bởi tổ chức huấn luyện và được người sử dụng lao động dùng để lưu trữ lại thông tin đào tạo và cấp giấy chứng nhận, thẻ an toàn theo Mẫu 09 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
5.3 Thẻ an toàn
Được doanh nghiệp/ người sử dụng lao động cấp cho người được huấn luyện thuộc nhóm 3 sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Tổ chức huấn luyện cấp Thẻ an toàn cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
Thẻ an toàn sau khi được cấp có giá trị 2 năm.
5.4 Sổ theo dõi việc cấp Thẻ an toàn của doanh nghiệp
Được lập bởi doanh nghiệp dành cho người lao động có hợp đồng lao động hoặc tổ chức huấn luyện cấp dành cho người lao động không có hợp đồng lao động theo Mẫu 10 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
5.5 Sổ theo dõi người thuộc nhóm 4 được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Được người sử dụng lao động ghi kết quả huấn luyện của người được huấn luyện thuộc nhóm 4 vào để lưu trữ và theo dõi theo Mẫu số 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
Giá trị hiệu lực của chương trình đào tạo dành cho nhóm 4 là 1 năm. Vì vậy, định kỳ hàng năm doanh nghiệp cần tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho nhóm đối tượng này.
6. Đơn vị huấn luyện uy tín về an toàn vệ sinh lao động
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đơn vị đào tạo trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tuân thủ quy định của pháp luật và như cầu phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để lựa chọn được một đơn vị uy tín và có chất lượng đào tạo cao trong lĩnh vực này không phải là điều đơn giản. Bài viết này sẽ đề cập đến 06 tiêu chí cụ thể để giúp bạn có thể dễ dàng lựa chọn được một đơn vị đáp ứng các quy định của pháp luật và có chất lượng trong công tác đào tạo.
6.1 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức huấn luyện
Đơn vị đào tạo uy tín cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức huấn luyện phù hợp từ các cơ quan chức năng, như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc các Sở Lao động - Thương binh xã hội cấp tỉnh. Cụ thể, đơn vị đào tạo và huấn luyện cần đáp ứng tối thiểu các yêu cầu tại Điều 26. Phân loại tổ chức huấn luyện, điều kiện hoạt động và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
Hiện tại đơn vị huấn luyện an toàn vệ sinh lao động được chia làm 3 cấp. Cụ thể:
-
Tổ chức huấn luyện Hạng A, chỉ cần đáp ứng các yêu cầu tại Điều 26 là có thể tự tổ chức huấn luyện, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo.
-
Tổ chức huấn luyện Hạng B, cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức huấn luyện do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp.
-
Tổ chức huấn luyện Hạng C, cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức huấn luyện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.
---
Điều 26. Phân loại tổ chức huấn luyện, điều kiện hoạt động và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
1. Tổ chức huấn luyện được phân loại theo đặc điểm, tính chất phức tạp của đối tượng huấn luyện như sau:
a) Hạng A huấn luyện nhóm 4 và 6;
b) Hạng B huấn luyện nhóm 1, 4, 5 và 6;
c) Hạng C huấn luyện nhóm 1, 2, 3, 4, 5 và 6.
2. Điều kiện tổ chức huấn luyện hạng A như sau:
a) Có hoặc hợp đồng thuê, liên kết để có ít nhất 01 phòng học có diện tích ít nhất từ 30 m2 trở lên;
b) Có ít nhất 02 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật, nội dung nghiệp vụ và 01 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động;
c) Có tài liệu huấn luyện phù hợp với đối tượng huấn luyện và được xây dựng theo chương trình khung huấn luyện quy định tại Nghị định này;
d) Máy, thiết bị, nhà xưởng, nơi huấn luyện đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
3. Điều kiện tổ chức huấn luyện hạng B như sau:
a) Có hoặc hợp đồng thuê, liên kết để có ít nhất 01 phòng học có diện tích ít nhất từ 30 m2 trở lên;
b) Có hoặc hợp đồng thuê, liên kết để có máy, thiết bị, hóa chất, xưởng, khu thực hành bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện;
c) Có ít nhất 04 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật nội dung nghiệp vụ, trong đó có 01 người huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 01 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động;
d) Có tài liệu huấn luyện phù hợp với đối tượng huấn luyện và được xây dựng theo chương trình khung huấn luyện quy định tại Nghị định này.
4. Điều kiện tổ chức huấn luyện hạng C như sau:
a) Có hoặc hợp đồng thuê, liên kết để có ít nhất 01 phòng học có diện tích ít nhất từ 30 m2 trở lên;
b) Có hoặc hợp đồng thuê, liên kết để có máy, thiết bị, hóa chất, xưởng, khu thực hành bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện. Máy, thiết bị, vật tư, hóa chất, nơi huấn luyện thực hành phải bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; khu huấn luyện thực hành bảo đảm diện tích ít nhất 300 m2;
c) Có ít nhất 04 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật nội dung nghiệp vụ, trong đó có 01 người huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 01 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động;
d) Có tài liệu huấn luyện phù hợp với đối tượng huấn luyện và được xây dựng theo chương trình khung huấn luyện quy định tại Nghị định này.
6.2 Chương trình đào tạo
Đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của đơn vị, xem liệu nó có phù hợp với yêu cầu của quy định pháp luật và đáp ứng được nhu cầu của người học tại doanh nghiệp của mình hay không. Chương trình nên bao gồm kiến thức cơ bản về an toàn vệ sinh lao động, các quy định pháp luật liên quan và các kỹ năng thực tế cần thiết.
Để chi tiết hơn, thì có thể xem lại nội dung phần 4 của bài viết này để hiểu rõ về các nội dung đào tạo cho từng nhóm cụ thể.
6.3 Đội ngũ giảng viên
Đánh giá trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Họ nên có kiến thức chuyên sâu về an toàn vệ sinh lao động và có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này, đặc biệt nếu kinh nghiệm thực tế của họ phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp thì đây là một điểm cộng.
Đặc biệt, giảng viên cần phải hoàn thành trình khung huấn luyện cho người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, cũng như đã được thông qua chương trình sát hạch và cấp giấy chứng nhận từ các đơn vị có chức năng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Về chương trình huấn luyện như thế nào, thì có thể tham khảo chi tiết hơn ở Điều 5 Thông tư 31/2018/TT-BLĐTBXH quy định về nội dung và thời gian huấn luyện cho người huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Ở nội dung bài viết này sẽ không đề cập quá sâu.
Dưới đây là tiêu chuẩn cụ thể dành cho người huấn luyện an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật (Nghị định 44)
---
Điều 22. Tiêu chuẩn người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Huấn luyện hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
a) Người có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm công việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra, quản lý về an toàn, vệ sinh lao động;
b) Người có trình độ cao đẳng và có ít nhất 04 năm làm công việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra, quản lý về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Huấn luyện nội dung nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động và nội dung kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động:
a) Người có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm công việc xây dựng hoặc tổ chức triển khai về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
b) Người có trình độ cao đẳng và có ít nhất 04 năm làm công việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động;
c) Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp không thuộc điểm a, điểm b khoản này và có ít nhất 05 năm làm công việc an toàn, vệ sinh lao động.
3. Huấn luyện nội dung lý thuyết chuyên ngành:
a) Người có trình độ từ đại học trở lên có chuyên môn phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 03 năm làm công việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.
b) Người có trình độ cao đẳng có chuyên môn phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 04 năm làm công việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.
4. Huấn luyện thực hành:
a) Huấn luyện thực hành nhóm 2: Người có trình độ từ cao đẳng trở lên, phù hợp với chuyên ngành huấn luyện, thông thạo công việc thực hành đối với máy, thiết bị, hóa chất, công việc được áp dụng thực hành theo chương trình khung huấn luyện;
b) Huấn luyện thực hành nhóm 3: Người có trình độ từ trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện; có ít nhất 03 năm làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc làm công việc có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở phù hợp với công việc huấn luyện;
c) Huấn luyện thực hành nhóm 4: Người có trình độ trung cấp kỹ thuật trở lên, phù hợp với chuyên ngành huấn luyện hoặc người có thời gian làm việc thực tế ít nhất 03 năm trong chuyên ngành huấn luyện;
d) Huấn luyện thực hành sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động: Người có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành y trở lên và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia công tác sơ cứu, cấp cứu hoặc có trình độ bác sĩ;
đ) Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp không thuộc điểm a, b, c khoản này nhưng có ít nhất 04 năm làm công việc an toàn, vệ sinh lao động thì được huấn luyện thực hành theo quy định tại các điểm a, b, c khoản này phù hợp với kinh nghiệm.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết chương trình khung huấn luyện cho người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, việc miễn giảm các nội dung huấn luyện đã học, việc tổ chức sát hạch và cấp giấy chứng nhận.
6. Định kỳ 5 năm, người huấn luyện phải tham dự khóa tập huấn cập nhật kiến thức, thông tin, chính sách, pháp luật, khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động, trừ người huấn luyện thuộc điểm a khoản 1 Điều này, người huấn luyện sơ cấp cứu.
7. Tổ chức thực hiện khóa huấn luyện người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ghi sổ theo dõi và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả khóa huấn luyện người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
6.4 Cơ sở vật chất và trang thiết bị
Đơn vị đào tạo uy tín cần có cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo việc học tập đạt hiệu quả cao nhất. Nội dung này cũng được quy định tương đối cụ thể tại Điều 26. Phân loại tổ chức huấn luyện, điều kiện hoạt động và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP
6.5 Đánh giá hiệu quả đào tạo
Kiểm tra kết quả và hiệu quả đào tạo của đơn vị bằng cách xem xét tỷ lệ học viên hoàn thành khóa học, khả năng áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và đánh giá hiệu quả trong công việc sau đó. Tuy nhiên, dữ liệu này trên thực tế không dễ dàng để tiếp cận.
6.6 Đánh giá phản hồi của người học
Tìm hiểu ý kiến và đánh giá từ những người đã tham gia khóa học tại đơn vị đào tạo. Xem xét những phản hồi tích cực và tiêu cực để có cái nhìn tổng quan về chất lượng đào tạo, chất lượng giảng dạy của từng giảng viên cụ thể.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm hiểu về sự phổ biến và uy tín của đơn vị đào tạo trong cộng đồng, nhưng cần chú ý đánh giá từ các nguồn đáng tin cậy, khách quan, hoặc từ những cá nhân, doanh nghiệp có uy tín.
7. Hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn theo nghị định 88/2020/NĐ-CP
Quy định chính sách hỗ trợ chi phí về công tác huấn luyện an toàn lao động cho doanh nghiệp. Căn cứ theo Điều 32 Nghị định 88/2020/NĐ-CP về điều kiện người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ kinh phí an toàn vệ sinh lao động như sau:
Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động) khi đáp ứng đủ điều kiện sau:
-
Thực hiện theo đúng quy định pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và huấn luyện an toàn.
-
Người lao động được hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là người lao động có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định đủ từ 12 tháng trở lên tính đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn.
8. Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cần bao nhiêu kinh phí?
8.1 Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động có giá bao nhiêu tiền?
Câu đầu tiên cần hỏi có đơn vị nào cung cấp "Dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động giá rẻ?" hay không? Câu trả lời hiển nhiên là có, vậy thì bao nhiêu là rẻ, và bao nhiêu là đắt. Thực sự để trả lời cho cầu hỏi này lại không phải dễ. Nếu một chương trình đào tạo không tốn quá nhiều tiền nhưng giá trị nó mang lại gần như bằng không, kèm theo các rủi ro về pháp lý thì thực sự đây là một khóa học rất đắt chứ không còn rẻ nữa, vì chúng ta đang đánh đổi bằng sức khỏe của chính bản thân người lao động và rủi ro cho chính doanh nghiệp mình khi có sự cố/ tai nạn xảy ra.
Để có con số cụ thể, bạn có thể chủ động tìm và liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Thông tin này hầu như có thể dễ dàng tìm thấy trên Google. Và thực sự, giá dịch vụ ngày nay không còn là bí mật, vì vậy thông qua một cuộc gọi điện thoại bạn hoàn toàn có thể có được những thông tin cơ bản về tổ chức huấn luyện cũng như giá dịch vụ của tổ chức đó.
8.2 Quy định của pháp luật về giá huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Đối với chi phí, hay giá cho dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động các nhóm 1, 2, 3, 4, 5, 6 thì hiện nay chưa có một nghị định hay thông tư nào quy định cụ thể về mức giá huấn luyện an toàn.
Hiện nay bảng giá huấn luyện tại các trung tâm, hay đơn vị huấn luyện đều có mức giá gần như tương tự nhau, ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp bạn có những yêu cầu đặc biệt nào đó như về chương trình thực thành thiết kế riêng, hoặc giảng viên theo yêu cầu.
Ngoài ra, giá dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hoặc còn phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Số lớp/ buổi được tổ chức
- Số học viên tham gia
- Thời gian tổ chức như ngày trong tuần hoặc cuối tuần
- Địa điểm tổ chức (trực tiếp tại doanh nghiệp, hoặc tại cơ sở của đơn vị huấn luyện, hoặc thuê hội trường ngoài,...)
- ....
9. TỔNG KẾT
Hy vọng, thông qua bài viết trên đây, bạn đã có một cái nhìn tổng quan về ý nghĩa cũng như khái quát được các thành phần cơ bản của chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, từ các nhóm cần đào tạo tại doanh nghiệp cho đến các quy định pháp luật liên quan mà đơn vị huấn luyện cần phải đáp ứng.
Do hạn chế về thời gian, cũng như kiến thức của bản thân, cá nhân tôi tự nhận thấy bài viết này vẫn còn nhiều điểm có thể cải tiến và bổ sung cho hoàn chỉnh để thuận tiện trong quá trình tham khảo của quý anh chị làm công tác an toàn. Bên cạnh đó chắc chắn bài viết cũng còn nhiều điểm thiếu sót hoặc chưa chính xác. Vì vậy, trong quá trình tham khảo, nếu có bất kỳ lỗi sai nào mà bạn phát hiện được, tôi rất mong nhận được đóng góp chân thành từ bạn để có thể chỉnh sửa, bổ sung lại cho hoàn thiện hơn.
Cuối cùng, tôi xin kính chúc bạn cùng quý doanh nghiệp luôn vững vàng trên con đường sự nghiệp cũng như kinh doanh của mình.